Chuyên gia tâm lý cho đội tuyển bóng đá – họ làm gì? (Phần 2)

Và những việc mà ít người biết đến

– – Đối diện với chấn thương: HLV tâm lý trước hết sẽ giúp các cầu thủ chấp nhận chấn thương như là một phần của cuộc chơi, đồng thời đưa ra các bài tập tâm lý nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi chấn thương, song song với vật lý trị liệu. Có người sẽ cho rằng đã là cầu thủ ai mà chẳng chấp nhận chấn thương? Thực tế cho thấy nhiều cầu thủ càng nổi tiểng và có giá trị lại càng khó chấp nhận chấn thương của mình và thường làm mọi cách để chối bỏ nó trong suy nghĩ. Cá biệt có những trường hợp cầu thủ bị chấn thương và không thể hồi phục lại như cũ, họ dễ bị rơi vào trạng thái trầm cảm và có những suy nghĩ tiêu cực. Ngoài ra HLV tâm lý cũng có những phương pháp giúp đánh giá mức độ stress của cầu thủ (cả về tâm lý và thể chất) để dự đoán nguy cơ chấn thương, từ đó giúp HLV trưởng và HLV thể lực điều chỉnh lại khối lượng bài tập. Các nghiên cứu đã cho thấy khi VĐV bị stress cao, khả năng bị chấn thương của họ cũng cao hơn. Do đó, chăm sóc tâm lý cho các cầu thủ cũng là một giải pháp giúp giảm nguy cơ bị chấn thương và giúp hồi phục nhanh hơn.

– – Chấp nhận vị trí của mình trong đội tuyển quốc gia (dù đôi khi vị trí đó không hợp sở trường) là một vấn đề khá quan trọng. Nhiều người nói giải vừa rồi Trọng Hoàng không thể hiện được hết mình là do anh không được đá ở vị trí sở trường. Đây là một sự hi sinh cho đội tuyển, nhưng không phải lúc nào tâm lí cầu thủ cũng thoải mái chấp nhận nó. Làm thế nào để các cầu thủ, kể cả dự bị hoặc không được chọn trong đội hình chính thức chấp nhận (cả ở mức ý thức và vô thức) tầm quan trọng của mình trong đội là một phần của phương pháp tạo sự đoàn kết của chuyên gia tâm lý.
– – Ngoài ra, với những cầu thủ trẻ lứa U13, U15 hoặc các cầu thủ lớn tuổi sắp kết thúc sự nghiệp, có một vấn đề mà họ rất quan tâm là sự chuyển giao nghề nghiệp. Ở lứa tuổi nhỏ, các em đôi khi phân vân giữa việc tiếp tục vừa học văn hóa vừa chơi bóng, hay hi sinh tất cả cho bóng đá. Đôi khi các em không xác định được mục tiêu phấn đấu và khả năng của mình đến đâu. Các em cũng ít được chuẩn bị về tâm lí cho những cấp độ thi đấu cao hơn của giải chuyên nghiệp Vì thế một số em không chịu nổi áp lực và từ bỏ sự nghiệp bóng đá một cách đáng tiếc.

Một ví dụ điển hình là trường hợp của thần đồng bóng đá Thụy Điển Martin Bengtsson. Anh thể hiện năng khiếu của mình từ rất sớm và mới 17 tuổi đã được kí hợp đồng bóng đá chuyên nghiệp với một CLB lớn của Ý là Inter Milan. Chỉ chín tháng sau khi sang Ý, sự nghiệp của Martin Bengstsson kết thúc với việc anh tìm cách tự sát. Anh sau đó phải nhập viện tâm thần ở Milan rồi được gửi trả về Thụy Điển không lâu sau đó. Áp lực thi đấu lớn, công với một tâm lý chưa đủ vững vàng của một cầu thủ trẻ đã làm anh bị kiệt quệ trước khi nhận được thành quả. Ở các trung tâm đào tạo của các nước phát triển, vấn đề chuẩn bị tâm lý cho cầu thủ trẻ là rất quan trọng. Vì thế các HLV tâm lý thường cũng làm việc rất nhiều với các lứa tuổi này.

Nhiều câu lạc bộ lớn như Manchester United, Liverpool hay Arsenal đều làm việc với HLV tâm lý thể thao. Theo tìm hiểu cá nhân thì M.U có tới 4 HLV tâm lý phục vụ cho toàn bộ các CLB của họ (từ đội trẻ đến đội chính). Nhưng họ hầu như sẽ không bao giờ ra mặt, hay được Sir. Alex Ferguson nói đến. Đó là một phần tất yếu của công việc của họ – những người đứng đằng sau để giúp đỡ cầu thủ, cũng như các HLV thể lực hay dinh dưỡng, bác sỹ thể thao.

Công việc của HLV tâm lý nhìn bề ngoài đôi khi rất đơn giản. Có lúc họ tổ chức những bài giảng, bài tập, các hoạt động trong đội. Nhưng trong giờ đội tập luyện, họ chỉ ngồi ngoài quan sát và giúp đỡ nếu được yêu cầu. Ngoài thời gian tập chính, HLV tâm lý thường đi loanh quanh nói chuyện với hết cầu thủ này đến cầu thủ khác. Tuy nhiên, chính nhờ khả năng đọc tâm lý và chia sẻ những khó khăn tâm lý với cầu thủ mà HLV lại trở thành chỗ dựa tinh thần trong đội. VĐV vì thế có thể yên tâm nói chuyện với chuyên gia này những khi có vấn đề cả trong và ngoài bóng đá, kể cả những bức xúc liên quan đến HLV trưởng, mà hoàn toàn yên tâm rằng những vấn đề của họ sẽ không bị tiết lộ cho người khác nếu không có sự đồng ý. Cũng chính vì vai trò đó, các HLV tâm lý sẽ không phát biểu về tình hình tâm lý của đội trên báo chí hay trả lời các cuộc phỏng vấn. Đây được coi là một yêu cầu tất yếu của nghề nghiệp để đảm bảo sự yên tâm và riêng tư cho các cầu thủ/HLV mà họ tư vấn.

Tâm lý thể thao cũng đang bắt đầu phát triển mạnh hơn ở Đông Nam Á. Hội đồng thể thao Singapore hiện có tối thiểu 5 chuyên gia tâm lý thể thao làm việc với các VĐV. Họ không chỉ làm việc với các VĐV cấp quốc gia mà còn tổ chức đào tạo tâm lý cho các tài năng trẻ. Malaysia cũng có Ban khoa học thể thao chuyên nghiên cứu và đào tạo trong các lĩnh vực như y học, dinh dưỡng và tâm lý thể thao. Được biết gần đây các chuyên gia tâm lý thể thao của họ đã thực hiện một nghiên cứu về sự liên quan giữa yếu tố tâm lý và chấn thương trong bóng đá chuyên nghiệp ở Malaysia để góp phần làm giảm chấn thương cho các cầu thủ của họ.

Với những lợi ích thiết thực, tâm lý thể thao đang là xu hướng phát triển của thể thao thế giới. Mong rằng chúng ta có thể đầu tư cho lĩnh vực này trong một ngày không xa.

Đào Tiến Dũng


Comments

One response to “Chuyên gia tâm lý cho đội tuyển bóng đá – họ làm gì? (Phần 2)”

Comments are now closed
  1. Eliene says:

    That’s a nicely made answer to a chalgenling question